Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ tăng tháng thứ ba liên tiếp, nhưng theo các chuyên gia, chỉ có tác dụng thu hẹp biên độ giảm của ngành hàng này tới Mỹ.
Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại – Bộ Công thương (VITIC), ước tính kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong tháng 11/2023 đạt 660 triệu USD, tăng 15,5% so với tháng 11/2022.
Tính chung 11 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ ước đạt 6,5 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu là mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ, đạt 5,1 tỷ USD, giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kế đến là mặt hàng gỗ, ván và ván sàn đạt 488,6 triệu USD, giảm 23,4%.
Theo VITIC, đồ nội thất bằng gỗ là nhóm hàng quyết định tốc độ tăng trưởng chính của ngành gỗ sang Mỹ, bởi kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ.
Nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ luôn ở mức cao, với trị giá nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới, Mỹ luôn là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) cho thấy, tháng 9/2023 nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 1,56 tỷ USD, giảm 20,4% so với tháng 9/2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ đạt 14,6 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022.
Dữ liệu của VITIC cũng cho thấy, kinh tế khó khăn và lạm phát tăng cao khiến trị giá nhập khẩu của Mỹ từ các thị trường cung cấp chính đều giảm đáng kể, dẫn đầu là Việt Nam đạt 5,3 tỷ USD, giảm 26,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới Mỹ cũng đã giảm mạnh vào đầu năm 2023, do nhu cầu thị trường yếu bởi lãi suất tăng cao, yếu tố chu kỳ và lượng dự trữ hàng tồn kho lớn tại Mỹ.
Tuy nhiên, những tháng gần đây, hàng tồn kho đã giảm mạnh và đây là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tiêu dùng cùng những thị trường có xu hướng hồi phục. Các nhà mua hàng ở Mỹ vẫn xác định Việt Nam là nguồn cung quan trọng, trong bối cảnh Mỹ muốn đa dạng chuỗi cung và giảm phụ thuộc vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc.
Việt Nam cũng có cơ hội để trao đổi với Mỹ về khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ.
Với những tín hiệu tích cực như trên, VITIC cho rằng, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ sẽ khả quan hơn năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Mỹ, doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Mới đây, Bộ Thương Mại Mỹ (DOC) đã ban hành dự thảo sửa đổi các quy định nhằm tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại trong Luật Chống bán phá giá và Chống trợ cấp (Đạo luật Thuế quan 1930 của Mỹ) để lấy ý kiến các bên liên quan.
Trong dự thảo này, DOC đã đề xuất sử đổi nhiều thủ tục, quy trình hiện hành; luật hóa nhiều thực tiễn điều tra và củng cố một số phương pháp phân tích, tính toán giá và chi phí.
Để cạnh tranh hiệu quả, VITIC cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành sản xuất đồng thời đảm bảo quản lý và chăm sóc khách hàng một cách hiệu quả.